Triệu chứng sốt xuất huyết: Nhận biết và phòng ngừa kịp thời

Vừa mới “dễ thở” khi giặc Covid-19 tạm lắng xuống thì mối lo khác lại tiếp tục dấy lên, đó là dịch sốt xuất huyết. Mùa mưa đến cũng là lúc “mùa dịch” bắt đầu, hãy phòng bệnh ngay khi còn có thể!

Dịch sốt xuất huyết luôn tái diễn hàng năm và để lại nhiều ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng bởi sự chủ quan của nhiều người. Đừng để “cú lừa” tâm lý khiến mọi người lơ là phòng bị, mùa mưa đến rất dễ tạo điều kiện cho muỗi sinh sản mạnh, kèo theo nguy cơ dịch sốt xuất huyết bùng phát. Vậy triệu chứng của bệnh là gì và cách phòng ngừa thế nào, hãy cùng tìm hiểu để chủ động bảo vệ sức khỏe nhé!

Nguyên nhân và những dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết chủ yếu do vi-rút Dengue gây ra và lây lan do muỗi vằn hút máu từ chủ thể nhiễm bệnh truyền sang người thường qua vết đốt.

Các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới như Việt Nam là những nơi thường xảy ra dịch sốt xuất huyết. Bệnh có thể hoành hành quanh năm, nhưng bùng phát thành dịch lớn và diễn biến phức tạp nhất có lẽ vào mùa mưa – mùa sinh sản cao điểm của muỗi.

Người bị sốt xuất huyết thường xuất hiện các triệu chứng sau:

– Sốt cao đột ngột 39-40 độ C, kéo dài từ 2-7 ngày, khó hạ sốt.

– Người mệt mỏi, li bì, đau nhức các khớp cơ.

– Hốc mắt mỏi, nóng và nhức.

– Bắt đầu xuất hiện các nốt ban đỏ dưới da và lan ra khắp người.

Giống các loại bệnh truyền nhiễm khác, sốt xuất huyết sẽ có thời gian ủ bệnh từ 4 – 7 ngày tùy theo thể trạng kể từ lúc nhiễm vi-rút Dengue.

Bệnh sốt xuất huyết rất dễ phòng ngừa nếu có ý thức

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có vắc-xin phòng ngừa và vẫn có nguy cơ tái nhiễm kể cả khi đã mắc bệnh. Các biện pháp phòng ngừa hầu hết vẫn xuất phát từ ý thức chủ động của bản thân.

Đối với môi trường sống xung quanh:

– Thường xuyên phát quang bụi rậm, khai thông các vũng nước tù đọng, thu dọn, vứt bỏ các vật dụng phế liệu trong khu vực sinh hoạt, đặc biệt là chai lọ, các mảnh vỡ có thể tụ nước, lốp xe cũ…

– Vệ sinh các dụng cụ chứa nước trong nhà như bình hoa, lu nước… Đậy kín các vật dụng có dung tích lớn như bể chứa, giếng nước, chum vại,…để muỗi không có cơ hội vào đẻ trứng.

– Trồng các loại cây thảo dược hoặc có mùi hương trong khu vực sống để xua muỗi.

Đối với bản thân:

– Ngủ trong chăn màn, thường xuyên mặc áo tay dài để tránh bị muỗi đốt.

– Hạn chế mặc quần áo tối màu vì dễ thu hút muỗi.

– Sử dụng các sản phẩm chống muỗi như chai xịt phun sương hoặc kem chống muỗi chứa các thành phần an toàn để bảo vệ cả nhà.

Dù bằng cách nào cũng hãy chuẩn bị cho bản thân những biện pháp chống muỗi thiết thực để cùng khỏe mạnh đi qua mùa mưa sắp tới nhé!

NGUỒN: TTVN.TOQUOC.VN

Trả lời