Thời tiết nắng nóng, khi di chuyển trên đường hoặc làm việc ngoài trời trở về nhà mọi người cần phải lưu ý tới 3 thói quen sau để không gây hoạ cho cơ thể.
Theo bác sĩ Trần Anh Thắng – Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội, trong đợt nắng nóng vừa qua tại miền Bắc trung tâm đã tiếp nhận cấp cứu cho không ít người nhập viện vì liên quan tới nắng nóng. Các bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu chủ yếu là đột quỵ, say nắng, say nóng.
Thời tiết nắng nóng những người làm việc trong môi trường nắng nóng hoặc di chuyển ngoài trời cần phải lưu ý tới những thói quen có thể gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ.
1. Ngồi vào quạt và điều hòa ngay khi đi ngoài trời nắng về
Bác sĩ Thắng cho biết, đây là thói quen gặp phổ biến khi thời tiết nắng nóng. Quạt và điều hòa có thể giúp hạ thân nhiệt giúp cho cơ thể có cảm giác mát mẻ. Tuy nhiên, đây lại là thói quen xấu vì khi thân nhiệt đang cao ngồi trong phòng lạnh và trước quạt sẽ làm cho mạch bị co lại, gây nên hiện tượng cứng cổ, vai gáy…
Một số trường hợp có thể bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do nóng lạnh đột ngột ngột. Để đảm bảo an toàn người dân cần lưu ý: Nếu đi trời nắng về nên nghỉ ngơi ở chỗ thoáng khí, bóng mát để hạ thân nhiệt xuống mức bình thường hoặc có thể bật quạt số nhỏ cho quay chứ không để gió quạt thẳng vào người.
2. Uống nước lạnh
Khi đi nắng về cơ thể mất nước, thân nhiệt tăng cao, một ly nước lạnh có thể giúp chúng ta hạ nhiệt nhanh chóng. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của bác sĩ Thắng, giống như ngồi quạt, điều hòa, thói quen ăn uống đồ lạnh không tốt khi mới vừa đi từ ngoài trời nắng nóng về. Bởi vì, nước lạnh có thể làm giảm thân nhiệt đột ngột và gây ra tình trạng đau họng, viêm họng, mất tiếng…
Theo bác sĩ Thắng cách tốt nhất nên uống nước lọc bình thường, uống oresol để bù lại lượng nước đã mất qua việc thoát mồ hôi.
3. Tắm mát ngay khi mới đi nắng về
Nhiều người có thói quen mới đi nắng về thường tắm ngay để hạ nhiệt cho cơ thể. Thói quen này tưởng vô hại nhưng lại cực kỳ nguy hiểm. Không ít người đã phải nhập viện cấp cứu vì thói quen xấu này.
Khi cơ thể đang ở nhiệt độ cao, việc hạ nhiệt bằng cách tắm nước mát có thể gây nên tình trạng sốc nhiệt: choáng, thiếu máu não cục bộ, đau đầu…
“Mọi người nên nghỉ ngơi, bù nước đầy đủ, khi thân nhiệt trở lại bình thường mới nên đi tắm. Khi tắm cũng không nên ngâm mình trong nước lâu“, bác sĩ Thắng nói.
Để đảm bảo sức khỏe trong suốt những ngày nắng nóng bác sĩ Thắng cũng lưu ý mọi người như sau:
– Với những người thường xuyên đi làm ngoài môi trường nắng nóng, di chuyển ngoài nắng nóng cần phải có phương tiện bảo hộ như: mũ, áo, găng tay, giày ủng… Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng…
– Khi thời tiết nắng nóng, cần hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Không nên làm việc lâu ngoài trời, nhất là thời điểm nắng nóng gay gắt, nhiệt độ tăng cao khoảng từ 11 giờ trưa đến 16 giờ chiều.
– Đối với người cao tuổi, trẻ nhỏ nhất là những người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch, cao huyết áp, tiền đình, hen suyễn… tuyệt đối không ra ngoài trời khi nhiệt độ còn cao, bất kể đó là giờ nào.
– Khi gặp trường hợp nghi ngờ say nắng, say nóng… cần phải hô hoán mọi người đưa đi cấp cứu hoặc gọi 115 gần nhất.
Trong thời gian chờ đợi, hãy chuyển bệnh nhân đến nơi râm mát, nới quần áo cho thông thoáng, chườm mát vào vùng cổ nách, bẹn, lau người bằng nước mát để hạ thân nhiệt cho người bệnh…
Nếu bệnh nhân có biểu hiện cấp cứu thì tiến hành hô hấp theo tình trạng tại chỗ, sau đó chuyển đến cơ sở y tế để được các bác sĩ hồi sức tích cực.
NGUỒN: TRI THỨC TRẺ