Đột quỵ ở người trẻ tuổi: triệu chứng mắc COVID-19?

TTO – Các bác sĩ trên thế giới đang ghi nhận ngày càng nhiều trường hợp đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở người trẻ mắc bệnh COVID-19. Nhiều chuyên gia tin rằng đột quỵ là biến chứng của COVID-19.

Các bác sĩ của Hệ thống Y tế Núi Sinai ở New York, Mỹ đã chứng kiến số ca nhập viện vì đột quỵ tăng bất thường trong suốt đại dịch COVID-19.

Thông tin trên Tạp chí Y khoa New England (NEJM) ngày 28-4, bác sĩ Thomas Oxley cùng các đồng nghiệp tại Núi Sinai cho biết họ đã tiếp nhận và điều trị cho 5 bệnh nhân từ 33 đến 49 tuổi bị đột quỵ. Tất cả những bệnh nhân này nhập viện từ 23-3 đến 7-4 và đều dương tính với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2).

Bốn trong 5 bệnh nhân trên có sức khỏe tốt. Hai trong số này tầm 30 tuổi và không trong tình trạng dễ bị đột quỵ và 3 người còn lại có triệu chứng bệnh nhẹ như ho, đau đầu. “Chúng tôi đi đến kết luận rằng chuyện này có liên quan đến COVID-19” – bác sĩ Johanna Fifi, cùng làm việc tại hệ thống Núi Sinai, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với báo New York Times.

Bác sĩ Fifi cũng nói với trang MedPage Today rằng thông thường họ chỉ tiếp nhận điều trị một bệnh nhân đột quỵ dưới 50 tuổi mỗi 3 tuần, so với 5 ca đột quỵ chỉ trong vòng 2 tuần khi dịch bệnh đang hoành hành tại nước Mỹ.

Mặc dù đột quỵ chỉ ảnh hưởng đến một số lượng nhỏ bệnh nhân COVID-19 nhưng dường như có liên quan đến hiện tượng rộng hơn xuất hiện ở những bệnh nhân nguy kịch: đông máu quá mức. Các bác sĩ cho biết bệnh nhân mắc COVID-19 nặng có thể xuất hiện các cục máu đông ở chân và phổi, đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Bác sĩ Pascal Jabbour của Bệnh viện Đại học Thomas Jefferson tại Philadelphia, không liên quan đến nghiên cứu của các bác sĩ ở Núi Sinai, cho biết ông đã ghi nhận 12 ca COVID-19 bị đột quỵ và phải nhập viện trong giai đoạn từ 20-3 đến 10-4. Một nửa trong số các bệnh nhân này dưới 50 tuổi.

“Các bệnh nhân trẻ không có bất kỳ yếu tố rủi ro nào dẫn đến đột quỵ và tỉ lệ tử vong cao hơn nhiều so với dự kiến, gần 50%. Theo ghi nhận của chúng tôi, các bệnh nhân thường đến muộn vì họ sợ phải đến bệnh viện và bị lây bệnh” – bác sĩ Jabbour nói.

Ông Jabbour cho biết các bác sĩ có rất ít thời gian để có thể cứu một bệnh nhân bị đột quỵ. Do đó nếu bệnh nhân nhập viện chậm, các bác sĩ sẽ mất cơ hội cứu sống bệnh nhân. Một báo cáo khoa học đăng tải trên NEJM ngày 28-4 cho hay nhiều bệnh nhân bị hội chứng mạch vành cấp tính ở miền bắc nước Ý đã không nhập viện điều trị và đều đã qua đời.

“Chúng tôi chú ý thấy rằng ở một số bệnh nhân trẻ tuổi, đột quỵ là triệu chứng đầu tiên của COVID-19. Trong 50% trường hợp, chúng tôi chẩn đoán họ mắc COVID-19 khi khám cho họ. Họ không biết họ mắc COVID-19, họ đến bệnh viện vì bị đột quỵ” – bác sĩ Jabbour nói thêm.

Một nghiên cứu của Pháp hồi đầu tháng 4 cũng đề cập đến khả năng đột quỵ có liên quan đến COVID-19. Trong nghiên cứu này, các bác sĩ lâm sàng lưu ý rằng nhồi máu não nằm trong số các biểu hiện thần kinh khác trong một loạt các ca COVID-19.

Một nghiên cứu gần đây của Hà Lan cũng lưu ý biến chứng huyết khối (thrombotic) được ghi nhận ở 184 bệnh nhân COVID-19 nặng bị viêm phổi, bao gồm thuyên tắc phổi, huyết khối tĩnh mạch sâu, đột quỵ do thiếu máu cục bộ, nhồi máu cơ tim hoặc thuyên tắc động mạch có hệ thống, theo tạp chí Forbes.

“Những bệnh nhân này (ở Núi Sinai) có một lượng lớn cục máu đông trong động mạch” – bác sĩ Fifi nói. Bà thêm rằng bệnh đông máu và rối loạn chức năng nội mạc mao mạch cũng được đề xuất là biến chứng của COVID-19 nhưng chưa có điều gì chắc chắn về vấn đề này. 

Bác sĩ Robert Stevens của ĐH Johns Hopkins, không liên quan đến các trường hợp ở Núi Sinai, nói các kết quả nghiên cứu trên “là rất đáng quan tâm nhưng phải được giải thích thận trọng”. 

“Mặc dù mối liên hệ giữa COVID-19 và nguy cơ gia tăng đột quỵ do thiếu máu cục bộ có vẻ hợp lý, nhưng chúng ta sẽ cần thêm các bằng chứng ở mức cao hơn để chứng minh cho các phát hiện trên và để giải thích rõ nguyên nhân” – ông Stevens nhận định.

NGUỒN: TUOITRE.VN

Trả lời