Giữa thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, những thay đổi ngay trong cuộc sống hàng ngày cũng sẽ bảo vệ chúng ta nhờ tăng cường hệ miễn dịch.
Dưới đây là chia sẻ của HLV thể hình Nguyễn Quốc Toàn (Hà Nội) về cách tăng cường hệ miễn dịch thông qua lối sống hàng ngày.
Mới đây, Bộ Y tế đã đưa ra những khuyến cáo dành cho người dân về việc hạn chế đến những nơi đông người, có ý thức hơn trong các biện pháp bảo vệ bản thân khỏi dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, chủ động tăng cường hệ miễn dịch cũng là cách để người dân phòng bệnh.
Nhìn chung, hệ miễn dịch có vai trò bảo vệ cơ thể chống lại các vi sinh vật gây bệnh. Dù vậy, một vài mầm bệnh đặc biệt vẫn có thể xâm nhập và làm cho bạn nhiễm bệnh. Nhiều nhà nghiên cứu đã tìm ra ảnh hưởng của các yếu tố ngoại cảnh tới hệ miễn dịch. Điều đó giúp chúng ta xác định biện pháp có thể cải thiện sức đề kháng.
Chế độ dinh dưỡng cân bằng
Dinh dưỡng là trụ cột đầu tiên trong công cuộc duy trì và tăng cường hệ miễn dịch. Nhiều bằng chứng đã chỉ ra sự thiếu hụt các loại vi chất như kẽm, sắt, vitamin A, E, C, B6,… làm thay đổi phản ứng miễn dịch ở động vật.
Vì vậy, hãy xem xét lại bữa ăn và điều chỉnh thực phẩm thay thế phù hợp. Lưu ý, mỳ gói, xúc xích là những đồ ăn này chứa nhiều chất bảo quản, chất béo xấu khiến sự thiếu hụt các vi chất thêm trầm trọng. Vì vậy, người dân cần cân nhắc khi lựa chọn tích trữ các loại thực phẩm này.
Tập luyện và vận động thường xuyên
Duy trì tập luyện đều đặn là trụ cột tiếp theo để có một hệ miễn dịch khỏe mạnh. Cơ bắp có được thông qua tập luyện là thành phần giúp cơ thể tăng cường trao đổi chất, từ đó duy trì cân nặng, cải thiện sức khoẻ và làm gia tăng khả năng miễn dịch của cơ thể.
Ngoài ra, quá trình vận động còn thúc đẩy lưu thông, cho phép các tế bào và các chất của hệ thống miễn dịch di chuyển tự do trong cơ thể, thực hiện công việc của chúng một cách hiệu quả.
Tập luyện không nhất thiết phải đến phòng gym. Trong khi hàng loạt phòng tập lần lượt phải tạm ngưng hoạt động, chúng ta có rất nhiều bài tập ngay tại nhà cùng các dụng cụ đơn giản để duy trì sức khỏe và không làm suy giảm hệ miễn dịch.
Cải thiện giấc ngủ và cố gắng giảm căng thẳng
Tâm lý căng thẳng kéo dài là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chất lượng giấc ngủ ngày càng kém. Ngủ không sâu giấc khiến tâm lý bị ảnh hưởng theo thời gian. Vòng lặp này có thể khiến cơ thể liên tục mệt mỏi, từ đó làm chức năng miễn dịch suy giảm.
Hãy thả lỏng cơ thể trước khi ngủ bằng thói quen đọc sách, ngâm chân hay nghe nhạc. Đặt các thiết bị điện tử xa khỏi giường ngủ, hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh trên màn hình điện thoại, laptop để có giấc ngủ sâu nhất.
NGUỒN: ZING.VN