Dịch trong ổ khớp là thành phần đặc biệt có tác dụng bôi trơn và giảm ma sát cũng như nuôi dưỡng các sụn trong khớp. Tuy nhiên, đôi lúc lượng dịch trong khớp gia tăng quá mức sẽ dẫn đến tình trạng tràn dịch khớp gối gây hạn chế vận động hay thậm chí phá hủy khớp. Chính vì vậy, việc phát hiện sớm hiện tượng tràn dịch rất cần thiết để điều trị sớm và phòng ngừa các biến chứng.
1. Tràn dịch khớp gối là gì? Nguyên nhân của tràn dịch khớp gối?
Tràn dịch khớp gối là tình trạng gia tăng lượng dịch bất thường trong khớp gối sau chấn thương hoặc các nguyên nhân bất thường trong khớp làm hạn chế vận động khớp gối. Mặc dù không phải là một bệnh khó chữa nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm.
Một số nguyên nhân thường gặp của tràn dịch khớp gối gồm có:
Tràn dịch sau các chấn thương: Các loại chấn thương sau khi chơi thể thao hay vận động quá sức hoặc tai nạn lao động, sinh hoạt khiến sụn khớp bị tổn thương, giãn hoặc đứt dây chằng chéo trước, dây chằng chéo sau hay rách sụn chêm, gãy xương,…
Tràn dịch trong các bệnh lý về khớp: Một số bệnh lý mạn tính có thể dẫn đến tràn dịch khớp gối có thể kể đến như thoái hóa khớp, nhiễm trùng khớp, gout hoặc viêm khớp dạng thấp, rối loạn đông máu,…
Nhiễm khuẩn: Vi khuẩn cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới tràn dịch khớp gối, một số loại vi khuẩn thường thấy là: vi khuẩn lao, Mycoplasma, ngoài ra còn có virus hoặc vi nấm.
2. Làm thế nào để nhận biết viêm khớp gối tràn dịch?
Dấu hiệu cơ bản nhất để phát hiện tràn dịch khớp gối là tình trạng khớp gối nổi mẩn đỏ kèm sưng và phù nề, khi so sánh 2 bên khớp gối có thể nhận ra sự lớn hơn bất thường của bên tràn dịch do bao khớp dày lên. Bệnh nhân thường sẽ có cảm giác nặng nề bên khớp tổn thương và rất hạn chế vận động khi đi lại hoặc khó gấp duỗi. Theo thời gian nếu không được can thiệp thì các cơ xung quanh sẽ yếu dần khiến khớp ngày càng không vững cùng với cơn đau dai dẳng.Những biểu hiện kể trên có thể được phát hiện từ bản thân người bệnh, tuy nhiên để xác định chính xác tình trạng tràn dịch khớp gối thì một số xét nghiệm có thể hỗ trợ đắc lực như:
- Công thức máu: Chủ yếu để xác định tình trạng viêm nhiễm hoặc viêm khớp dạng thấp
- Chụp X-quang: Phát hiện các vấn đề như gãy xương, trật khớp, thoái hóa khớp hoặc bệnh lý u xương
- Chụp MRI: Dùng để phát hiện kỹ hơn bất thường về xương và cả phần khớp như gân, dây chằng và các sụn
- Chọc hút dịch khớp: Việc hút dịch khớp này sẽ giúp xác định bản chất của dịch trong khớp, từ đó chẩn đoán được nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh
3. Viêm khớp gối tràn dịch có nguy hiểm không?
Tràn dịch khớp gối ở giai đoạn sớm hoàn toàn có thể được điều trị dứt điểm mà không gây nhiều biến chứng, tuy nhiên thực tế nhiều người bệnh chủ quan với tình trạng bệnh của mình khiến tình trạng khi đến các cơ sở y tế là đã trầm trọng. Ngoài gây hạn chế vận động khớp gối do tình trạng sưng viêm, các biến chứng có thể gặp như nhiễm trùng khớp do chọc hút dịch khớp nhiều lần hoặc thậm chí là phá hủy khớp và ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể bệnh nhân.
NGUỒN: VINMEC.COM