1. Xông mũi ngay khi có dấu hiệu cảm
Xông là phương pháp dân gian, lành tính và rất dễ thực hiện tại nhà. Mẹ bầu có thể sử dụng các loại lá cây hoặc củ chứa tinh dầu có trong vườn nhà, đem nấu sôi với nước sạch sau đó mở hé nắp và ghé mặt hít hơi nước nóng bay lên.
Hãy hít thở thật đều đặn và cảm nhận triệu chứng nghẹt mũi của mẹ giảm đáng kể. Một số nguyên liệu gợi ý cho nồi xông của mẹ bao gồm lá kinh giới, tía tô, lá bưởi, húng quế, bạc hà, chanh, củ gừng, sả, rau tần dày lá…
2. Cách trị cảm cho bà bầu đơn giản với tỏi
Tỏi là gia vị không thể thiếu trong gian bếp, nhưng cũng là một bài thuốc trị cảm cúm hiệu quả. Không chỉ chứa thành phần kháng sinh Allicin, giúp cơ thể chống lại sự tấn công của các virus gây bệnh, tỏi cũng giàu vitamin và khoáng chất cần thiết cho sức khỏe bà bầu.
Mẹ có thể giã nát tỏi sau đó cho vào nước nóng để uống. Những mẹ không chịu được mùi tỏi, bạn có thể thử ngâm tỏi với dấm.
Ngoài ra, để tăng cường sức đề kháng cũng như phòng ngừa cảm lạnh, mẹ cũng nên thêm tỏi vào thực đơn các món ăn hàng ngày của mình, nhất là trong lúc thời tiết giao mùa như hiện nay.
3. Cách trị cảm cho bà bầu đơn giản với gừng
Gừng vừa là gia vị trong các món ăn vừa là vị thuốc nam phổ biến, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai. Ngoài công dụng trị ốm nghén nhờ các hoạt chất gingerol, shogaol, gừng còn giúp bà bầu giải cảm nhanh chóng mà không cần dùng đến thuốc.
Khi bị cảm cúm, mẹ bầu nên thái nhỏ vài lát gừng đun sôi cùng 200ml nước trong 15 phút để tinh dầu thấm dần ra nước. Tiếp đến, lọc lấy nước gừng rồi uống khi còn ấm. Nước gừng sẽ giúp mẹ bầu kháng khuẩn, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
4. Chữa cảm cúm khi mang thai bằng lá tía tô, kinh giới
Với đặc tính cay ấm nên từ lâu, tía tô và kinh giới được xem là 2 vị thuốc dân gian trị cảm cúm, đau đầu, viêm họng. Có nhiều cách chữa cảm cúm cho bà bầu bằng tía tô và kinh giới, nhưng đơn giản nhất là mẹ lấy 2 nắm lá này đun sôi với 2 chén nước. Đậy kín nắp và mở lửa lớn đun liên tục cho đến khi nước trong nồi còn lại chừng 1 chén nước thì đổ ra uống. Tốt nhất mẹ nên uống khi còn ấm.
5. Súc miệng bằng nước muối
Nếu cổ họng mẹ bầu bị đau hoặc ngứa do cảm cúm, hãy chịu khó súc miệng bằng nước muối suốt cả ngày. Nước muối được pha chế rất đơn giản bằng 1/4 muỗng cà phê muối hòa tan với 1 ly nước ấm, hoặc có thể thêm 1 muỗng cà phê mật ong vào dung dịch này để nâng cao tác dụng diệt khuẩn. Muối khi hòa tan trong nước sẽ giúp rút các chất nhầy, làm giảm sưng đau, làm dịu cảm giác ngứa rát, đau họng.
6. Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ
Bệnh cảm khiến cho các mẹ bầu ăn uống không ngon miệng. Tuy nhiên các mẹ hãy cố gắng ăn uống đầy đủ, uống nhiều nước để nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng tự nhiên giúp đẩy lùi bệnh tật.
Một bát cháo giải cảm cũng rất hữu hiệu. Khi nấu cháo nên thêm hành, tiêu, tía tô và ăn nóng giúp mẹ toát nhiều mồ hôi.
7. Bổ sung vitamin C
Vitamin C là dưỡng chất không thể thiếu để nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể. Chính vì thế khi mang thai bạn cần bổ sung đầy đủ vitamin C để tăng khả năng phòng bệnh. Hãy thường xuyên ăn những loại quả giàu vitamin C như cam, chanh, bưởi… Nếu bị cảm cúm, bạn có thể uống bổ sung thêm viên C để cung cấp nhanh chóng nguồn vitamin C cho cơ thể.
8. Ngủ
Khi bị cảm cúm, các bà bầu nên cố gắng nghỉ ngơi và ngủ để cơ thể hồi phục sức khỏe. Ngoài ra, việc uống nhiều nước ấm cũng giúp đào thải độc tố và virus ra khỏi cơ thể hữu hiệu.
Trong thời gian mang thai, sức đề kháng của mẹ bầu bị giảm sút nên rất dễ mắc bệnh lặt vặt như cảm cúm. Chính vì vậy, các mẹ nên phòng ngừa bệnh và nếu bị bệnh hãy cố gắng thực hiện những biện pháp ít gây ảnh hưởng đến thai nhi. Hãy tham khảo những gợi ý trên để có thể chọn lựa được phương pháp chữa bệnh phù hợp khi bị cảm cúm lúc mang thai nhé.