Triệu chứng đau thần kinh tọa nếu được phát hiện sớm có ý nghĩa rất quan trọng. Đặc biệt, nhận biết dấu hiệu tổn thương dây thần kinh tọa kịp thời còn là tiền đề giúp giảm đau nhanh chỉ với một vài bài tập chuẩn.
Dây thần kinh tọa (dây thần kinh hông to) là dây thần kinh lớn nhất cơ thể. Chúng chạy dọc từ sau lưng dưới đến mặt sau của 2 chân, có chức năng quan trọng trong điều khiển vận động, cảm giác chi dưới.
Tuy nhiên, tổn thương từ đĩa đệm, viêm khớp thoái hóa, gãy xương hoặc nhiễm trùng xương là những nguyên nhân tác động khiến nhiều người dễ dàng bị đau thần kinh tọa hoặc bị viêm. Lúc này dây thần kinh tọa bị kích thích hoặc chèn ép gây ra các cơn đau từ thắt lưng xuống mông, cẳng chân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận động.
5 triệu chứng đau thần kinh tọa ai bị bệnh cũng gặp
Theo PGS.BS Nguyễn Trọng Nghĩa (nguyên giảng viên Đại học Y dược TP.HCM): “Hội chứng đau thần kinh tọa không chỉ biểu hiện qua những cơn đau nhức lâm sàng. Người bệnh cần lưu ý đến những chi tiết nhỏ nhất như động tác cúi, gập người, dáng đi đến sự thay đổi cảm giác. Việc phát hiện sớm bệnh lý giúp quá trình điều trị đau dây thần kinh tọa đạt hiệu quả cao hơn 80%”.
Triệu chứng 1: Đau tại dây thần kinh tọa
Đau là biểu hiện đặc trưng nhất của viêm dây thần kinh tọa và các tổn thương khác. Cụ thể, tại những vị trí khác nhau thì cơn đau thần kinh tọa cũng có những dấu hiệu đặc trưng khác nhau:
- Triệu chứng đau thần kinh tọa cơ bản nhất đó là cơn đau xuất phát từ lưng xuống đến mông, đùi, gót chân hoặc ngược lại.
- Bị đau rễ thần kinh L5 sẽ thấy đau dọc từ eo đến ngón chân út.
- Rễ S1 tổn thương sẽ đau dọc ra phía sau mông và phía bên ngoài của bàn chân.
- Nếu bị đau thần kinh tọa trên thì sẽ có triệu chứng đau dây thần kinh tọa phía trên đầu gối.
- Đau thần kinh tọa dưới có biểu hiện đau từ thắt lưng đến mặt sau cẳng chân.
- Đau khi vận động mạnh và giảm dần khi nghỉ ngơi. Lúc này dây thần kinh tọa không phải chịu áp lực chèn ép nên cơn đau sẽ thuyên giảm tức thì.
- Mỗi lần giậm chân mạnh xuống đất, cơn đau nhói xuất hiện từng đợt. Khi đi qua đoạn đường gồ ghề, ổ gà, cơn đau thần kinh tọa lại càng tăng lên.
Điểm khác biệt của triệu chứng thần kinh tọa khi tổn thương so với các bệnh lý xương khớp khác chính là cơn đau thần kinh tọa không chỉ xuất hiện ở một vị trí. Chỉ cần 1 vùng bị đau sẽ lan ngay sang các bộ phận lân cận.
Triệu chứng 2: Cơ cứng cột sống
Khi dây thần kinh tọa bị đau hoặc viêm, máu lưu thông không dễ dàng, tích tụ khiến người bệnh phải đối mặt với chứng cơ cứng cột sống:
- Cơ cứng vùng lưng, chân đùi vào buổi sáng sau khi thức dậy. Phải mất đến 30 phút mới giãn ra.
- Khi hắt hơi, ho thấy đau nhói, cứng ở vùng thắt lưng.
Triệu chứng 3: Hạn chế vận động
Bị đau thần kinh tọa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vận động của chi dưới. Căn cứ vào tầm vận động của động tác cúi, gập người để xác định tình trạng bệnh lý.
- Cúi người: <90 độ , không cúi được và đau thắt lưng dữ dội. Tay không thể chạm đến gót chân.
- Gập người: <90 độ, không thể cúi gập người về trước. Động tác khuân vác bằng lưng gặp khó khăn.
- Nghiêng người sang trái hoặc phải: <45 độ, tay không thể chạm mặt đất. Phần đùi và mông chịu đau nhức dữ dội.
- Khó đứng thẳng: Phần gót chân chỉ cần chạm nhẹ xuống đất là đã thấy những dấu hiệu đau dây thần kinh tọa khắp từ chân đến thắt lưng gần như ngay lập tức.
Triệu chứng 4: Thay đổi dáng đi
Đau thần kinh tọa có thể diễn ra ở 1 bên hoặc cả 2 bên do tình trạng thoát vị đĩa đệm thắt lưng chèn ép vào rễ thần kinh. Điều này khiến trọng lượng cơ thể tập trung vào bên còn lại khiến dáng đi biến đổi.
- Dáng đi tập tễnh, bên cao, bên thấp
- Nhão cơ 1 bên hông và chân bị xệ xuống
- Vùng xương chậu lệch hẳn sang 1 bên
Triệu chứng này có thể dẫn đến cong vẹo cột sống, mất đường cong sinh lý, teo cơ. Đây là biến chứng hết sức cẩn trọng của đau thần kinh tọa.
Triệu chứng 5: Tổn thương rễ thần kinh
Dây thần kinh tọa không chỉ có chức năng điều khiển sự vận động mà còn chi phối cảm giác. Khi đau thần kinh tọa sẽ khiến hệ cơ lưng, đùi và chân của bệnh nhân có cảm giác kiến bò. Một số hiện tượng bị rối loạn:
- Giảm nhiệt độ cơ thể
- Khả năng tiết mồ hôi thuyên giảm
- Rối loạn dinh dưỡng da
- Mất cảm giác chi dưới, teo cơ chân
- Mất khả năng kiểm soát đại, tiểu tiện
Một số bài tập giảm đau dây thần kinh tọa thần tốc
Áp dụng bài tập giảm đau thần kinh tọa được xem là phương pháp tác động an toàn, phù hợp với mọi đối tượng dù ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh.
Bài tập 1: Kéo giãn lưng
Bài tập có tác dụng kéo giãn, vận động cột sống về phía sau.
Nằm sấp xuống thảm, tỳ người lên khuỷu tay, cột sống duỗi dài, giữ cho vai đưa ra sau, cổ thẳng.
– Cong lưng ra sau bằng cách chống lòng bàn tay xuống.
– Thở đều và giữ 10 giây. Áp dụng 5 – 10 lần.
Bài tập 2: Tập với ghế
Đây là bài tập đau thần kinh tọa có tác dụng hiệu quả nhất trong những bài tập được giới thiệu. Người bệnh cần chuẩn bị một chiếc ghế vững chắc để làm dụng cụ.
– Chân phải đưa lên lòng ghế, tay trái áp vào mặt ngoài của chân phải, tay phải chống vào hông.
– Xoay toàn bộ thân trên về bên phải. Giữ tư thế 15 giây và đổi bên.
– Động tác này giúp cơ lưng giãn ra, giải phóng áp lực chèn ép, cơn đau thần kinh tọa được thuyên giảm rõ rệt.
Bài tập 3: Vặn người trên thảm
Chuẩn bị thảm, nằm ngửa trên thảm, 2 tay dang rộng bằng vai sang 2 bên. Giữ cơ thể nằm 1 đường thẳng, co 2 đầu gối sang trái, lưng vẫn giữ thẳng, tay không nhấc khỏi mặt sàn. Giữ tư thế khoảng 25 giây thì đổi bên. Khi thực hiện những động tác này sẽ giúp dòng máu lưu thông dễ dàng, giảm đau tức thì.