Làm gì khi bị viêm quanh khớp vai?

Viêm quanh khớp vai là chứng bệnh viêm mạn tính các mô mềm quanh khớp như: gân, cơ, dây chằng bao khớp gây đau làm hạn chế vận động. Nguyên nhân của viêm quanh khớp vai rất đa dạng như chấn thương, thoái hóa các dây chằng, do thời tiết lạnh, các bệnh ở vùng cổ như thoái hóa, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, bệnh lý thần kinh cũng dễ đau viêm quanh khớp vai.
 

Vì sao mắc viêm quanh khớp vai?

Biểu hiện của viêm quanh khớp vai là đau xuất hiện khi chúng ta dang tay và xoay cánh tay, đau lan tỏa từ mỏm vai tới 2 cánh tay rồi xuống khuỷu tay. Làm giảm chức năng vận động của tay.

Khớp vai là khớp có tầm vận động rộng nhất trong các khớp của cơ thể. Bệnh rất thường gặp ở cộng đồng, trong độ tuổi từ 40 -60, nam nhiều hơn nữ.

Mặc dù đây là bệnh lý không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại có thể gây giảm hoạt động, lao động và ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người bệnh.

Người lao động chân tay mà động tác lao động thường phải giơ tay cao hơn 90 độ, như thợ trát trần nhà, thợ quét sơn, công nhân sửa máy khi máy ở vị trí cao hơn vai. Người lao động hoặc học tập có thói quen chống tỳ khủy tay lên bàn thường bị viêm khớp vai bên đó. Các nghề nghiệp gây rung xóc khớp vai kéo dài như lái xe đường dài, lái máy xúc, máy ủi, công nhân xây dựng phải sử dụng máy đầm nhiều. Các công việc gây ra các vi chấn thương cho khớp vai. Các động tác gây căng dãn gân cơ khớp vai lặp đi lặp lại kéo dài như chơi tennis, chơi gôn, ném lao, xách các vật nặng…

Người có tiền sử chấn thương vùng khớp vai: Ngã chống thẳng bàn tay hoặc khuỷu tay xuống nền gây lực dồn lên khớp vai, các chấn thương phần mềm vùng khớp vai, gãy xương cánh tay, xương đòn, xương bả vai…

Những người đã từng phẫu thuật vùng khớp vai, phẫu thuật hoặc nắn gãy xương các xương liên quan đến khớp vai như xương cánh tay, xương đòn, xương bả vai, hoặc người phải bất động khớp vai một thời gian dài như sau đột quỵ, giai đoạn phục hồi sau các bệnh nặng, bất động do gãy xương cánh tay… có nguy cơ cao bị viêm quanh khớp vai.

Người mắc một số bệnh mạn tính như viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường, bệnh ở phổi và lồng ngực, đột quỵ não, cơn đau thắt ngực… cũng là những trường hợp có yếu tố nguy cơ mắc viêm quanh khớp vai cao.

Bệnh nhân sau đột quỵ não có tỉ lệ bị đông cứng khớp vai bên liệt cao hơn 3-4 lần người bình thường. Với người bệnh mắc hội chứng vai – tay thường xuất hiện từ 1-6 tháng sau đột quỵ não.

Chủ quan dễ tàn phế

Th.s Thái Thị Xuân, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An cho biết, trong quá trình tiếp nhận và điều trị, bệnh viện đã điều trị rất nhiều bệnh nhân mắc viêm đau quanh khớp vai. Điều đáng lưu ý, là rất nhiều người chủ quan với căn bệnh này nên khi đến viện thời gian điều trị và phục hồi lâu. “Nhiều bệnh nhân khi vào viện còn nghĩ đơn giản chỉ là đau vai thông thường. Ở gia đình tự điều trị bằng đắp lá từ vườn nhà. Khi đau chỉ uống thuốc giảm đau.” – Th.s Xuân kể.

Đối với viêm đau quanh khớp vai, điều trị phục hồi chức năng đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ trong trường hợp không phẫu thuật mà ngay cả trong trường hợp sau phẫu thuật, phục hồi chức năng là phương pháp phục hồi, chữa bệnh an toàn và hiệu qủa. Phục hồi chức năng nhằm mục đích tránh teo cơ và cứng khớp đồng thời phục hồi sức mạnh của các cơ sau một thời gian bệnh đã bị kém đi. Đối với phục hồi chức năng khớp vai, quá trình này sẽ diễn ra lâu, đòi hỏi sự kiên trì. Bắt đầu là những bài tập vận động thụ động kéo dài trong vài tuần, sau đó mới là những bài tập chủ động. Quá trình tập này có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng tuỳ theo việc có thực hiện phẫu thuật tạo hình lại gân chóp xoay hay không.

Các phương pháp điều trị phục hồi chức năng viêm quanh khớp vai hiện nay phải theo sự hướng dẫn của thầy thuốc. Tập vận động theo sự hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng. Vật lý trị liệu trong đó có thể sử dụng nhiệt trị liệu, điện trị liệu, sóng ngắn trị liệu, vận động trị liệu và y học cổ truyền như châm cứu, thủy châm thuốc.

Điều trị viêm quanh khớp vai tùy thuộc vào từng thể bệnh khác nhau, thường phối hợp nhiều biện pháp như phục hồi chức năng khớp bằng các bài tập vận động, xoa bóp, bấm huyệt, chiếu tia hồng ngoại sóng ngắn.

Kết hợp dùng thuốc giảm đau, kháng viêm…

Nếu người bệnh được hướng dẫn và tự giác tập vận động khớp vai thì khả năng hồi phục chức năng sẽ nhanh, ngược lại nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, luyện tập quá mức, thời gian khỏi bệnh sẽ kéo dài hơn. Vì vậy khi bị đau quanh khớp vai bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế khám và điều trị phục hồi chức năng để hạn chế biến chứng.

Mặc dù viêm quanh khớp vai không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại có thể gây giảm hoạt động, lao động và ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của người bệnh.

Người bệnh cần chế độ sinh hoạt vận động hợp lý. Trong giai đoạn đau vai cấp tính cần để cho vai được nghỉ ngơi. Tránh lao động nặng và các động tác đưa tay lên quá đầu lặp đi, lặp lại.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Trả lời