Chế độ ăn lành mạnh dựa trên thực phẩm lành mạnh

Thói quen ăn uống không hợp lý là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến tử vong và gánh nặng bệnh tật toàn cầu.

Duy trì được một chế độ ăn lành mạnh trong suốt cuộc đời sẽ giúp phòng tránh được suy dinh dưỡng ở tất cả các thể, bao gồm cả thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm (tiểu đường, tim mạch,tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, gout…).

Đâu là chế độ ăn lành mạnh?

Theo định nghĩa năm 2018 của Tổ chức Y tế Thế giới, một chế độ ăn lành mạnh cần có nhiều quả chín, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, chất xơ, đậu đỗ, hạn chế các thành phần như đường tự do, các thức ăn vặt và đồ uống có đường, thịt chế biến sẵn và muối.

Ở chế độ ăn lành mạnh, các chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa sản xuất công nghiệp cần phải được thay thế bằng chất béo chưa bão hòa. Chế độ ăn uống lành mạnh cung cấp cho cơ thể những chất dinh dưỡng thiết yếu như các chất dinh dưỡng đa lượng, vi chất dinh dưỡng và năng lượng đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của mỗi một cá thể tùy thuộc tình trạng dinh dưỡng, sinh lý và vận động.

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới, một chế độ ăn lành mạnh cần có nhiều quả chín, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, chất xơ, đậu đỗ…

Rau quả: Ăn ít nhất 400g rau quả hàng ngày để giảm nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa và tăng mức tiêu thụ chất xơ. Bữa ăn nào cũng có rau, ăn quả tươi và rau củ quả sống thay cho thức ăn vặt, ăn rau quả theo mùa (mùa nào thức nấy), ăn đa dạng nhiều loại rau quả.

Chất béo: Giảm lượng chất béo xuống dưới 30% tổng năng lượng khẩu phần để kiểm soát cân nặng và giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm. Nên hấp hoặc luộc thức ăn thay vì chiên xào; Thay mỡ, bơ bằng các loại dầu thực vật chưa bão hòa như dầu đậu nành, dầu ngô, dầu hạt cải, dầu hướng dương; Sử dụng các loại sữa hoặc chế phẩm sữa tách bơ, thịt nạc, hoặc loại bỏ các phần mỡ thừa khỏi thịt, giảm việc tiêu thụ các thức ăn nướng hoặc chiên, các thực phẩm đóng gói sẵn chứa nhiều chất béo chuyển hóa công nghiệp.

Muối, natri và kali: Chúng ta thường tiêu thụ quá nhiều natri thông qua muối (tương ứng với mức trung bình 9-12g muối/ngày) và lại ít kali (dưới 3,5g). Ăn nhiều natri và ít kali góp phần gây tăng huyết áp và làm tăng nguy cơ bệnh tim và đột quỵ.

Ngưỡng các thành phần “không lành mạnh” trong thực phẩm

 

Lựa chọn thực phẩm lành mạnh

Thực phẩm lành mạnh là những thực phẩm có ít chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, đường tự do và muối. Thực phẩm chia làm 2 loại chính, thực phẩm tự nhiên và thực phẩm qua chế biến (thủ công hoặc công nghiệp). Không có thực phẩm nào được coi là hoàn toàn lành mạnh, cũng không có thực phẩm nào là hoàn toàn xấu, không lành mạnh.

Với các thực phẩm tự nhiên, cần kết hợp chúng một cách đa dạng (ăn nhiều loại thực phẩm khác nhóm và ngay trong cùng một nhóm), đảm bảo đầy đủ về số lượng và cân đối các chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng cần thiết, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, lựa chọn thực phẩm mùa nào thức nấy. Thực phẩm được coi là lành mạnh nhưng nếu sử dụng với số lượng, cách chế biến không phù hợp thì cũng không mang lại chế độ ăn lành mạnh. Ví dụ như dưa hấu được coi là loại quả lành mạnh nhưng ăn cả một quả dưa hấu sẽ làm tăng lượng đường trong máu nhiều hơn ăn một thanh sôcôla (được coi là thực phẩm không lành mạnh). Hay thức ăn chay (từ thực vật) được coi là lành mạnh nhưng lại chế biến dưới dạng chiên rán thì lại làm gia tăng chất béo chuyển hóa. Khoai lang vốn là loại củ được khuyến nghị ăn thay cơm cho người bị đái tháo đường nhưng nếu chế biến dưới dạng nướng sẽ làm tăng cao chỉ số đường huyết.

Với các thực phẩm được qua chế biến, các nhà sản xuất phải hạn chế sử dụng hoặc làm gia tăng các thành phần tạo nên thực phẩm “không lành mạnh” thông qua việc kiểm soát các thành phần “xấu” như muối, đường đơn, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa. Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng để biết lựa chọn thực phẩm lành mạnh trong số các thực phẩm trên thị trường. Ở nhiều quốc gia hiện nay, bên cạnh nhãn thực phẩm thì nhãn dinh dưỡng cũng yêu cầu bắt buộc phải có. Nhãn dinh dưỡng có thể giúp người tiêu dùng biết lựa chọn sản phẩm và kiểm soát được lượng thực phẩm có nhiều chất béo, muối và đường tự do.

Một số nhà sản xuất hiện nay còn đưa các thông tin về thành phần không lành mạnh lên mặt trước của bao bì hoặc đưa ra các chỉ thị màu về các thành phần này để giúp người tiêu dùng có thể nhận diện được mức của các thành phần này trong thực phẩm đóng gói (màu đỏ là ở mức cao, màu cam là mức trung bình và màu xanh là mức thấp). Thực phẩm càng có nhiều màu xanh thì càng lành mạnh. Thực phẩm nhiều màu đỏ là thực phẩm chúng ta cần giảm hoặc kiểm soát lượng tiêu thụ.

Một số tổ chức còn xây dựng các tiêu chuẩn về thực phẩm lành mạnh và cung cấp các dấu hiệu cho những thực phẩm đạt tiêu chuẩn đó trên bao bì để người tiêu dùng nhận biết. Hiện nay, các nước ASEAN đang trong lộ trình đến năm 2020 xây dựng ghi nhãn dinh dưỡng thống nhất cho thực phẩm hạn chế muối, đường, chất béo. Cục An toàn vệ sinh thực phẩm và Viện Dinh dưỡng được Bộ Y tế giao làm đầu mối để xây dựng các quy chuẩn này. Nhưng trong lúc chờ đợi, chúng ta hãy là người tiêu dùng thông thái khi lựa chọn thực phẩm tự nhiên hay thực phẩm chế biến.

Nguồn: suckhoedoisong.vn

 

Trả lời