6 nhóm người có nguy cơ cao bị gan nhiễm mỡ: Cần điều chỉnh ngay trước khi quá muộn

Bệnh gan nhiễm mỡ đang ngày càng trở nên phổ biến do dinh dưỡng, thói quen và lối sống… Đây là 6 nhóm người có nguy cơ cao bị bệnh tấn công, bạn nên biết để phòng ngừa sớm.

Gan nhiễm mỡ là gì?

Gan nhiễm mỡ là một triệu chứng thay đổi bệnh lý gan phổ biến, trong đó đề cập đến những thay đổi bệnh lý của sự tích tụ chất béo trong các tế bào gan gây ra bởi nhiều lý do.

Ngày nay, tỷ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ ngày càng tăng, và nó đã trở thành loại bệnh gan lớn thứ hai sau bệnh viêm gan virut, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của nhiều người.

Trong trường hợp bình thường, hàm lượng chất béo trong gan không vượt quá 3 – 5% trọng lượng gan, nhưng nếu chất béo được tích lũy bất thường trong các tế bào gan, hàm lượng chất béo trong gan sẽ không ngừng tăng và vượt quá 5% trọng lượng của gan, từ đó sẽ phát triển thành chứng gan nhiễm mỡ.

Theo các bác sĩ chuyên khoa Gan trên kênh Bác sĩ Gia đình (TQ), trong điều trị lâm sàng, có 6 nhóm người dễ bị gan nhiễm mỡ. Bạn hãy xem mình có phải là một trong số họ? Hãy nhanh chóng tìm hiểu và phòng tránh kịp thời.

6 nhóm người dễ bị gan nhiễm mỡ nhất

1. Người béo phì

Béo phì là nguyên nhân chính của sự hình thành căn bệnh gan nhiễm mỡ ở những mức độ khác nhau. Tăng mô mỡ ở người béo phì có thể làm nặng thêm tình trạng dị hóa mô mỡ, dẫn đến tăng axit béo tự do trong cơ thể.

Một lượng lớn axit béo tự do trong máu được vận chuyển đến gan, có thể làm tăng chất béo tổng hợp trong gan, từ đó có thể hình thành bênh gan nhiễm mỡ.

Nếu bạn muốn phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ, nên chú ý thay đổi những thói quen xấu, thực hiện lối sống lành mạnh, điều chỉnh chế độ ăn để giảm trọng lượng dần dần về mức tiêu chuẩn.

2, Người nghiện rượu

Chúng ta đều biết rằng, có tới 90% rượu được chuyển hóa ở gan sau khi bạn uống vào cơ thể. Uống rượu trong thời gian lâu dài với số lượng lớn có thể gây mất oxy hóa chất béo trong gan, đây là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến tình trạng gan nhiễm mỡ do rượu.

Theo phân tích thống kê, tỷ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ do rượu tăng từ 5 đến 25 lần ở những người uống hơn 80-160 gram mỗi ngày.

Muốn phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ, cách tốt nhất là bạn hãy tránh xa các loại đồ uống có cồn, ít nhất, bạn phải biết hạn chế sử dụng rượu trong mọi trường hợp.

3, Người giảm cân với tốc độ nhanh

Giảm cân quá mức có thể gây ra suy dinh dưỡng, và suy dinh dưỡng có thể khiến các tế bào gan ngăn chặn quá trình chuyển hóa chất béo, khiến các tế bào gan không phá vỡ các thành phần chất béo được lưu trữ trong tế bào gan, dẫn đến tích tụ quá nhiều chất béo trong gan, từ đó tạo ra chứng gan nhiễm mỡ.

Do đó, để giảm cân, chúng ta nên dần dần và không “ép quá mức”. Bạn có thể thiết lập kế hoạch giảm cân và áp dụng theo lộ trình giảm dần đều. Không nên quá nóng vội trong việc giảm cân.

4, Người suy dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra gan nhiễm mỡ. Trước đây, nền kinh tế của chúng ta vẫn còn tương đối khó khăn nên hiện tượng suy dinh dưỡng, ăn uống không đủ nhu cầu dinh dưỡng cơ bản là nguyên nhân chính gây ra gan nhiễm mỡ. Suy dinh dưỡng cũng nguy hiểm như béo phì vậy.

Điều này bạn có thể hình dung rằng, khi dinh dưỡng không đủ và protein trong cơ thể bị thiếu, cơ thể không thể tổng hợp apolipoprotein, do đó chất béo trung tính tích tụ trong gan tạo thành gan nhiễm mỡ.

Muốn phòng bệnh gan nhiễm mỡ hiệu quả, bạn nên ăn đủ chất, cân bằng dinh dưỡng, không nên kiêng khem quá mức. Đó cũng là lý do chứng minh rằng, người gầy cũng có thể mắc gan nhiễm mỡ.

5, Người có bệnh tiểu đường

Theo thống kê, khoảng 50% bệnh nhân tiểu đường có thể bị gan nhiễm mỡ. Bệnh nhân tiểu đường do nội tiết bất thường, rối loạn chức năng sinh lý, bài tiết insulin sẽ không đủ.

Việc bài tiết insulin không đủ hoặc tương đối thiếu hụt sẽ dẫn đến rối loạn chuyển hóa lipid gan, từ đó dẫn đến gan nhiễm mỡ.

Lời khuyên dành cho bạn là nên chăm sóc sức khỏe tốt hơn dựa trên tình trạng bệnh, đặc biệt là chú ý đến chế độ ăn uống, lối sống và tập luyện.

6. Người có thói quen lạm dụng thuốc

Thuốc vốn dĩ là một thứ 1 phần tốt, 3 phần độc, ai cũng đã biết điều này. Thuốc sau khi uống vào cơ thể cần phải được giải độc bởi gan.

Một số loại thuốc hoặc chất độc hóa học như tetracycline, thuốc hạ lipid, thực phẩm chức năng, thuốc có chứa asen, chì, bạc và thủy ngân có thể làm hỏng gan và can thiệp vào quá trình chuyển hóa lipoprotein.

Những người thường xuyên uống thuốc, lạm dụng thuốc sẽ có nguy cơ làm tăng tỉ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ do thuốc.

Do đó, để ngăn ngừa bệnh gan nhiễm mỡ hình thành, bạn nên chú ý việc sử dụng thuốc. Bất kỳ khi nào bạn uống thuốc, đều cần phải được sự hỗ trợ của chuyên gia y tế.

Theo BS Gia đình (TQ)

Trả lời