Đau lưng là biểu hiện thường gặp, đặc biệt ở người cao tuổi. Trên 80% trường hợp đau lưng cấp có thể điều trị khỏi bằng các cách đơn giản mà không cần dùng thuốc hay phải sử dụng các phương pháp điều trị chuyên sâu nào nếu bị lần đầu. Tuy nhiên, đau lưng là biểu hiện của nhiều bệnh nên việc xác định nguyên nhân sẽ giúp việc điều trị và phòng ngừa tái phát hiệu quả.
Nguyên nhân gây đau lưng cấp
Nếu ví cột sống của chúng ta như một cột thuyền buồm thì cơ lưng sẽ được coi như các dây và đai néo buộc, chúng giữ vững cột sống ở cả chiều dọc và chiều ngang. Vì vậy, nếu làm việc ở một tư thế gò bó cố định, cột sống các khối cơ lưng và dây chằng sẽ ít hoạt động gây ứ đọng chất trung gian hoá học trong cơ, đồng thời mạch máu kém lưu thông nên tình trạng nuôi dưỡng khu vực cột sống không được đảm bảo gây đau lưng cấp. Người bệnh có cảm giác cứng lưng, đau nhức âm ỉ vùng cột sống thắt lưng hoặc vùng cột sống lưng trên các động tác cúi, ngửa, xoay hơi khó khăn.
Vận động luyện tập thể thao hoặc cột sống chịu lực nén, xoắn vặn sai lệch, gây trượt nhẹ các khớp cột sống và dây chằng, đĩa đệm, cũng gây đau lưng cấp. Người bệnh có cảm giác đau nhức khu trú tại một vị trí, sờ nắn có cảm giác đau và cứng ở khối cơ cạnh sống, triệu chứng đau sẽ hết sau 1 tuần lễ nếu chườm nóng lạnh, nằm nghỉ ngơi, xoa bóp nhẹ nhàng. Đi giầy hoặc dép gót quá cao làm cho trọng lực cơ thể dồn về phía trước, đốt sống lưng L4 và L5 dễ bị trượt ra trước, gây chèn ép mạch máu và thần kinh gây đau lưng cấp.
Khi tuổi cao, cột sống dần dần bị thoái hóa phải chịu sự đè nén của trọng lượng cơ thể hay lực xoắn vặn, các đĩa đệm bị đè nén quá mức làm nhân nhầy đĩa đệm thoát ra ngoài gây đau lưng cấp.
Ngoài ra, đau lưng do chế độ ăn uống không hợp lý, thiếu các chất khoáng như canxi, phốt pho, kali và magiê có thể dẫn tới bệnh loãng xương, làm cho xương cột sống xốp gây đau lưng. Vì vậy, cần phải ăn uống cân bằng các chất dinh dưỡng bao gồm protit, lipit, gluxit vitamin và khoáng chất.
Một số tổn thương thực thể như: thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, gai đôi cột sống, thoái hoá cột sống, ung thư, lao… cũng gây đau lưng cấp.
Cần phân biệt đau lưng cấp do các bệnh nội khoa: Đau lưng do bệnh ở nội tạng khác như đau dạ dày, khối u ở phổi, cơn đau âm ỉ ở vai trái có thể do triệu chứng của bệnh tim. Vì vậy, khi thấy xuất hiện cơn đau lưng kéo dài và thường xuyên, hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa nội cơ xương khớp thần kinh và tiến hành kiểm tra đầy đủ các xét nghiệm cần thiết kể cả các kỹ thuật cao như MRI để xác định không nên tự điều trị. Bởi khi có dấu hiệu đau lưng mạn tính có tổn thương thực thể cần được điều trị bằng các kỹ thuật chuyên sâu của vật lý trị liệu.
Khi bị đau lưng cấp, cần làm gì?
Nằm nghỉ ngơi: Tư thế nằm ngửa thả lỏng người thoải mái trên giường cứng, không nằm giường có đệm mềm để tránh đè ép vào mạch máu và các cơ không được thư giãn. Đảm bảo nguyên tắc giữ đường cong sinh lý cột sống, đầu, vai, mông, gót chân chạm giường. Dùng một gối lót dưới cột sống cổ (chú ý là gối cổ không gối đầu). Một gối mỏng kê dưới thắt lưng. Một gối kê dưới kheo. Từ 10 – 30 phút tăng dần mỗi ngày trong một tuần, xoay nghiêng người nhẹ nhàng khi thay đổi tư thế. Khi dậy, xoay nghiêng người chống tay để dậy từ từ. Sau một tuần không đỡ thì cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa.
Mang đai nẹp hỗ trợ: Tốt nhất là dùng đai nẹp cột sống chuẩn của các trung tâm y tế, nếu không đỡ thì phải chuyển phương pháp khác hoặc khám chuyên khoa.
Xoa bóp: Dùng tay xoa, bóp, day, đấm, chặt nhẹ nhàng hai bên cột sống khoảng 30 phút. Có thể sử dụng các động tác kéo rút như trong mát-xa, nhưng phải nắm được kỹ thuật và đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Chườm nóng: Dùng túi nước nóng chườm lên cột sống lưng trong vòng 30 phút để làm giãn cơ, dây chằng, mạch máu. Phương pháp này chỉ áp dụng trong 24 giờ đầu tiên.
Chườm lạnh: Dùng túi đựng nước đá chườm lên cột sống lưng trong vòng 30 phút, có tác dụng co mạch, làm giảm đau tức thì. Phương pháp chỉ áp dụng khi đau trong vòng 24 tiếng.
Nếu áp dụng các biện pháp điều trị như trên trong một tuần mà dấu hiệu đau không giảm hoặc chỉ giảm nhẹ thì cần phải đến khám bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị đúng.
Dự phòng đau lưng
Mặc dù bệnh lý của hội chứng đau thắt lưng khởi phát chủ yếu do các yếu tố cấu trúc của cột sống, nhưng vấn đề dự phòng một cách khoa học có tầm quan trọng đặc biệt. Vấn đề dự phòng phải được đặt ra rất sớm, ngay từ lúc trẻ sơ sinh. Bằng phong cách sinh hoạt hợp lý, những hoạt động trong đời sống, nghề nghiệp và thể dục thể thao thích hợp, có thể tránh được những yếu tố bất lợi làm giảm mức độ nặng của bệnh và còn giúp cho quá trình phục hồi chức năng diễn biến thuận lợi. Cụ thể: trừ bỏ biến dạng tiền thoái hoá như lệch vẹo cột sống, chân dài, chân ngắn thì đĩa đệm sẽ chịu những tác động không cân đối, từ đó sẽ thúc đẩy quá trình thoái hoá (người ta gọi nó là những biến dạng tiền thoái hoá); Phong cách sinh hoạt chung: từ khi lọt lòng mẹ, hai năm đầu đời là giai đoạn phát triển có tính chất quyết định của đĩa đệm cột sống, nhiều bà mẹ đã không hiểu và cố cho con tập ngồi và tập đi quá sớm cũng không tốt cho cột sống. Ngoài ra, tư thế ngồi học, làm việc vặn vẹo ở tuổi đang lớn không đúng tư thế hay tư thế nằm sấp khi ngủ cũng sẽ không tốt cho cột sống và đĩa đệm.
Lời khuyên của thầy thuốc
Việc giữ lâu ở một tư thế bất lợi có thể gây tái phát hội chứng đau thắt lưng. Bởi vậy, trong khi ngồi, đứng hoặc nằm, người bệnh cũng phải giữ gìn cẩn thận. Các bài tập làm linh động và làm khoẻ cơ không được áp dụng trong hội chứng đau lưng cấp. Tuỳ theo mức độ và thể bệnh, ở từng lứa tuổi của người bệnh mà cho tập những bài tập thích hợp. Ở bệnh nhân cao tuổi, không có chỉ định làm linh động cột sống trong giai đoạn phục hồi chức năng sau một hội chứng đĩa đệm vì nó dễ dẫn đến sự lỏng lẻo mới của đoạn vận động tương ứng hoặc các đoạn vận động lân cận.