Thực phẩm giải nhiệt mùa nắng nóng

Thời tiết nóng bức khiến ai nấy đều cảm thấy khó chịu, mệt mỏi. Một vài giải pháp trong ăn uống và sinh hoạt sẽ giúp bạn giải nhiệt cho cơ thể. 

Trời nóng luôn tạo cho con người cảm giác mệt mỏi, chán ăn. Bên cạnh ăn đủ chất, cần giảm thức ăn giàu năng lượng, nhất là dầu mỡ và đường bột vì tạo nhiều năng lượng làm cơ thể thấy nóng hơn. Thay vào đó, tăng cường ăn hoa quả và uống nhiều nước.

Chọn hoa quả tươi, thành phần có chứa nhiều vitamin C như: dưa hấu, cam, thanh long, táo, cà chua… Ngoài ăn trực tiếp, dùng các loại hoa quả này ép lấy nước uống hoặc làm sinh tố cũng rất tốt. Hạn chế ăn các loại hoa quả có chứa nhiều đường như mít, vải, nhãn, xoài…

Nên thêm chút muối hơi mặn vào nước uống (từ 0,5 – 1g muối ăn/lít nước giải khát). Một người bình thường uống 1,5 lít nước/ngày nhưng vào mùa nóng phải uống gấp hai, ba lần.

Có thể tự chế biến một số loại nước giải khát, nước mát. Ngoài tác dụng giải khát, nước mát còn giúp đưa vào cơ thể một lượng nước có thể giải nhiệt làm bớt nóng nảy, bứt rứt khi nhiệt độ cơ thể lên cao.

Nên hạn chế dùng các món ăn chứa nhiều dầu mỡ, các món ăn dạng chiên, xào và các món chứa nhiều gia vị có tính cay nóng. Không ăn nhiều các món lên men: cà pháo muối, kim chi, dưa món.

Nên ăn nhiều thức ăn mát, như: các loại rau củ quả giàu kali (rau má, cà chua, mồng tơi, rau đay, diếp cá, xà lách xoong…). Trung bình mỗi ngày một người nên ăn ít nhất 200g trái cây và 300g rau xanh.

Các loại canh chua có nhiều nước, được chế biến đơn giản và có tác dụng làm mát như: canh cua, hến, thịt nạc nấu chua… rất thích hợp cho mùa hè. Ngoài ra còn có rất nhiều các món canh bổ dưỡng, có tác dụng mát phổi như: đậu phụ nấu cùng thịt nạc hoặc tôm khô xay nhuyễn… Khí hậu nóng, thức ăn mau bị ôi thiu, ăn uống phải đảm bảo vệ sinh để tránh những bệnh lây qua đường tiêu hóa.

Buổi tối trước khi ngủ, tránh ăn nhiều thực phẩm thịt, rau vì chúng làm khó ngủ. Uống nhiều nước sẽ làm bàng quang bị căng đầy, phải thường xuyên thức giấc đi tiểu. Tránh uống cà phê và thức uống có gas hoặc hút thuốc lá. Có thể uống trà tim sen để giúp làm mát cơ thể, dễ ngủ.

Tự làm một số đồ ăn, thức uống trị nóng 

– Nước ép bí đao: bí đao 500g, gọt vỏ, bỏ ruột, rửa thật sạch, thái miếng, ép lấy nước, cho thêm chút muối, uống 2 – 3 lần trong ngày, có tác dụng chống cảm nắng mụn nhọt, rôm sảy.

– Nước atisô: mua atisô thành phẩm hoặc tươi về nấu lấy nước uống như trà. Bông atisô nấu chín có tác dụng bổ gan, lọc máu, bổ tim, chống độc, lợi tiểu.

– Nước vối: lá vối khô rửa sạch cho vào ấm, cho nước lạnh vào đun đến sôi rồi uống nóng hoặc uống lạnh. Nước vối giải khát, giải nhiệt , có tác dụng lợi tiểu và mát.

– Nước mía: dân gian thường dùng dưới dạng ăn sống, ép hoặc sắc lấy nước uống. Nước mía phòng các chứng bệnh viêm nhiệt, miệng khô họng khát, sốt cao mất nước…

– Thịt bò nấu rau cải: thịt bò 200g; rau cải 400g; thịt bò thái mỏng; rau cải cắt khúc; gừng gọt vỏ, cắt thành miếng, đâm nhuyễn rồi ướp với thịt bò. Cho những thứ trên vào nồi, thêm hai lít nước, tí muối vừa đủ. Nấu với lửa mạnh trong khoảng một giờ, lấy nước dùng lúc còn ấm. Công dụng giải cảm mạo phong hàn, trị đau đầu, đau nhức xương khớp…

– Cháo bạc hà: bạc hà tươi 1kg; gạo tẻ 150g. Bạc hà rửa sạch, chặt khúc. Gạo tẻ vo sạch. Cho bạc hà vào nồi cùng một lít nước, nấu sôi trong một giờ, lọc lấy nước, bỏ bã, cho nước lại vào nồi, đổ gạo tẻ vào nấu đến chín như cháo lỏng. Món này trị chứng da nóng ra nhiều mồ hôi, đau đầu, bụng trướng…

– Đậu xanh nấu bạc hà, kim ngân hoa: đậu xanh 30g; bạc hà tươi 10g, kim ngân hoa 100g, lá tre 10g. Cho bạc hà, kim ngân hoa, lá tre vào nồi cùng hai lít nước, nấu độ một giờ, lọc lấy nước, bỏ xác. Cho đậu xanh cùng nước trên và một ít gạo vào nồi nấu chín, rồi cho vào lượng đường cát vừa đủ để dùng. Món này trị chứng toàn thân đau mỏi, khát nước…

Trả lời