8 thông tin mà người bị đau nửa đầu nên biết

1. Đau nửa đầu không phải là cơn đau đầu bình thường

Nhiều người nghĩ rằng đau nửa đầu chỉ là một cơn đau thông thường nhưng thực tế, đây là một một vấn đề thần kinh khá nghiêm trọng có liên quan đến việc rối loạn điện tích trong não. Chúng gây ra các cơn đau nhói một bên đầu và kèm theo là các triệu chứng:

  • Nhạy cảm với ánh sáng.
  • Nhạy cảm với tiếng ồn.
  • Đột ngột thay đổi tâm trạng, dễ trở nên trầm cảm hoặc hưng phấn.
  • Thay đổi vị giác, có khi thèm ăn hoặc có cảm giác buồn nôn.
  • Uể oải, mệt mỏi, thường xuyên ngáp.

Các cơn đau thường khởi phát đột ngột, có thể kéo dài từ 4 giờ đến 3 ngày. Bệnh có thể ảnh hưởng tới sinh hoạt thường ngày, làm gián đoạn công việc, thậm chí gây nguy hiểm tình mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, những người xung quanh không thể nhận thấy các triệu chứng đau nửa đầu mà bạn đang gặp phải. Do đó, mọi người thường sẽ cho rằng bạn đang phản ứng quá mức hoặc quá nhạy cảm với môi trường.

Có thể nói, đau nửa đầu là một căn bệnh “vô hình” khi không ai có thể cảm nhận được rằng bạn đang phải chịu đựng những đau đớn hoặc những phản ứng sợ ánh sáng, buồn nôn, nhạy cảm với mùi.

Bên cạnh đó, các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của đau nửa đầu sẽ khác nhau ở mỗi người. Vì vậy, nếu bạn từng trải qua cơn đau nửa đầu, chưa chắc bạn đã biết cách giảm đau hiệu quả cho người khác.

2. Các triệu chứng đau nửa đầu có thể kéo dài trong nhiều ngày

Không có câu trả lời chính xác nào cho thắc mắc “Đau nửa đầu sẽ kéo dài bao lâu?”. Các triệu chứng có thể kéo dài trong nhiều ngày, kể cả trước, trong hay sau cơn đau đầu.

Giai đoạn đầu tiên của một cơn đau nửa đầu, được gọi là giai đoạn tiền triệu (prodome), có thể kéo dài 1–2 ngày. Lúc này, người bệnh thường bị táo bón, cứng cổ, thèm ăn, khát nước và thay đổi tâm trạng.

Sau đó, cơn đau đầu sẽ bùng phát. Các dấu hiệu thoáng qua liên quan đến thị giác và thần kinh sẽ xuất hiện hoặc không, tùy vào mỗi người . Giai đoạn dấu hiệu thoáng qua này (gọi là aura) có thể kéo dài từ 4–72 giờ.

Giai đoạn cuối cùng đôi khi kéo dài 24 giờ hoặc lâu hơn. Sau cơn đau nhức đầu, người bệnh thường hay lú lẫn, yếu ớt và chóng mặt. Lúc này, một vài người còn có cảm giác “nôn nao” sau cơn đau nửa đầu. Cơ thể bạn sẽ cần  vài ngày để trở lại bình thường.

3. Đối với một số người, triệu chứng đau nửa dầu sẽ không biến mất

Có nhiều người bị chứng đau nửa đầu mạn tính. Điều đó có nghĩa là họ phải trải qua cơn đau nửa đầu kéo dài từ 4–72 giờ, trong ít nhất 15 ngày mỗi tháng và liên tục trong hơn 3 tháng. Trong đó, ít nhất 8 ngày họ có thể sẽ gặp phải những triệu chứng đau nửa đầu khác.

Ước tính, đau nửa đầu mạn tính gây ra ảnh hưởng đến khoảng 1% dân số, theo số liệu của Tổ chức Đau nửa đầu Hoa Kỳ (American Migraine Foundation).

Một số nghiên cứu cho rằng, mỗi năm có khoảng 2,5% người mắc bệnh đau nửa đầu bị tiến triển thành dạng mạn tính.

4. Các phương pháp điều trị mang lại các kết quả khác nhau

Khi bị cơn đau nửa đầu tấn công, người bệnh thông thường sẽ sử dụng các loại thuốc giảm đau, thuốc hạ sốt tại nhà không gây nghiện để giảm bớt đau đớn, khó chịu.

Tuy nhiên, những loại thuốc đau đầu này không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả đến tất cả mọi người.

Bên cạnh đó, còn có thuốc ngăn ngừa diễn tiến bệnh, điển hình là: thuốc ức chế beta, thuốc ức chế canxi, thuốc chống trầm cảm và thuốc chống động kinh. Chúng có hiệu quả trong việc giảm tần suất và độ nặng của triệu chứng đau đầu.

Thực tế, có đến hơn 250 phương pháp điều trị đau nửa đầu được xác nhận và mỗi người trong chúng ta sẽ có những phản ứng khác nhau đối với từng phương pháp.

Mỗi cơ thể đều có những đặc tính sinh học khác nhau, vì thế công tác phòng ngừa và giảm đau hiệu quả, cải thiện chất lượng cuộc sống cần rất sự nỗ lực ở bản thân bạn.

5. Đau nửa đầu thường không phòng ngừa được

Nhiều người mắc phải chứng đau nửa đầu sẽ cảm thấy các triệu chứng được cải thiện hơn khi họ thực hiện các bài luyện tập để cải thiện thói quen trong cuộc sống, giúp dự đoán trước cơn đau đầu. Các thói quen này bao gồm ăn, ngủ và tập thể dục theo lịch trình cụ thể, thường xuyên.

Tuy nhiên, cách này không hẳn có hiệu quả với tất cả mọi người. Nhiều người bệnh cố gắng thực hiện tất cả các thói quen trên nhưng chứng đau nửa đầu kinh niên vẫn có cơ hội xuất hiện.

Rất ít người bệnh có thể xác định được loại thực phẩm hoặc yếu tố gây ra các cơn đau. Hầu hết chúng ta đều sở hữu các tác nhân kích thích gây bệnh đau nửa đầu.

Bên cạnh đó, các yếu tố liên quan đến thời tiết là điều không thể tránh khỏi.

6. Ít ai thấu hiểu được cảm xúc của người mắc bệnh đau nửa đầu

Người bệnh đau nửa đầu thường cảm thấy không ai thấu hiểu được những gì họ phải trải qua.

Ngay cả những người thân trong gia đình cũng chưa chắc cảm nhận và đồng cảm với những cảm giác của người bệnh.

Thế nhưng, nhờ vào những nỗ lực chia sẻ thông tin về đau nửa đầu, mọi người xung quanh dần dễ dàng tiếp cận và thông cảm hơn với căn bệnh này.

7. Ảnh hưởng của đau nửa đầu đến chất lượng cuộc sống

Rất nhiều người mắc chứng đau nửa đầu gặp phải sự rạn nứt trong các mối quan hệ. Khi cơn đau nửa đầu bùng phát, bạn có thể sẽ chẳng muốn đi đâu hay làm bất cứ việc gì.

Nhiều người phải gửi con cái đến nhà ông bà để chúng được chăm sóc tốt hơn.

Tệ hơn, bạn còn có nguy cơ bị mất việc khi đau nửa đầu làm gián đoạn mọi hoạt động bình thường trong cuộc sống. Không có công ty nào cho phép nhân viên xin nghỉ quá nhiều, hay thậm chí họ có thể nghi ngờ rằng liệu bạn có bị đau nửa đầu thật hay không.

Đau nửa đầu cũng làm cho các mối quan hệ bạn bè dần xa cách hơn khi bạn không thể dành thời gian gặp gỡ mọi người.

Như một vòng luẩn quẩn, các vấn đề này lại làm tăng thêm sự lo lắng, buồn bã và chán nản ở người bệnh vì bạn không biết khi nào tình trạng bệnh sẽ trở nên khả quan hơn.

8. Cần sự kiên trì và mạnh mẽ khi sống chung với chứng đau nửa đầu

Thật sự rất khó để vực dậy tinh thần khi bạn bị cơn đau nửa đầu hành hạ từ ngày này sang ngày khác.

Bạn sẽ phải đối mặt với các triệu chứng và cảm giác mà người khác có thể không cảm nhận được hoặc nghĩ đó chỉ là do căng thẳng hay tưởng tượng quá mức.

Thế nên, bạn cần kiên trì và nỗ lực để tìm cách sống chung với căn bệnh này.

Theo hapacol.vn

Leave a Reply