8 BÀI BẤM HUYỆT CHỮA MẤT NGỦ ĐƠN GIẢN MÀ HIỆU QUẢ

Khi bị mất ngủ đặc biệt là mất ngủ kinh niên, bạn thường cảm thấy bứt rứt, khó chịu. Đây chính là nguyên nhân khiến bạn cáu gắt với người xung quanh và ảnh hưởng đến công việc hàng ngày.

 

Nếu mất ngủ thường xuyên đang hành hạ bạn, mà bạn lại không muốn phải sử dụng những viên thuốc gây buồn ngủ một cách liên tục hãy thử bấm một số huyệt vị sau, chắc hẳn giấc ngủ của bạn sẽ được cải thiện tốt hơn.

 

Vì sao bấm huyệt lại giúp ngủ ngon?

Bấm huyệt giúp kích thích mạch máu, tăng cường lưu thông khí huyết làm giảm được tần suất, thời gian và cường độ của các cơn đau đầu, giảm căng thẳng, giúp dễ ngủ.

Phương pháp này đặc biệt thích hợp trên những người mất ngủ do lo lắng, căng thẳng, đau đầu, rối loạn giấc ngủ.

Trong một nghiên cứu nhỏ năm 2011 trên 50 người bị mất ngủ cho thấy: Bấm huyệt có kết quả tức thì với những người bị mất ngủ cấp tính. Với những người mất ngủ mãn tính sau 4 tuần bấm huyệt liên tục, giấc ngủ của họ đã được cải thiện đáng kể.

Làm sao để bấm huyệt có hiệu quả?

Để bấm huyệt có hiệu quả, khi thực hiện bạn hãy ngồi hoặc nằm với tư thế thật thoải mái, thả lỏng cơ thể.

Dùng ngón tay có lực mạnh nhất (thường sử dụng ngón cái) ấn vuông góc với từng huyệt cần tác động, day thành vòng tròn trên huyệt.

Khi day ấn huyệt, dụng lực từ nhẹ đến mạnh dần. Nếu có cảm giác đau, dừng ấn chuyển sang huyệt khác.

Với các huyệt nhạy cảm ở trên mặt như huyệt thái dương, huyệt ấn đường… khi bấm nên dùng lực nhẹ nhàng nhằm tránh gây tổn thương mô mềm hay gây liệt cơ mặt.

Cách bấm một số huyệt vị giúp cải thiện giấc ngủ của bạn

1. Huyệt nội quan

Huyệt nội quan là huyệt nằm ở mặt bên trong cổ tay, giữa hai dây chằng, cách cổ tay khoảng 2 cm. Huyệt này có tác dụng an thần, lưu thông khí huyết.

Khi bấm huyệt nội quan bạn hãy xoay tay lại để lòng bàn tay hướng lên trên, xác định vị trí huyệt. Sau đó lấy ngón cái chuyển động tròn lên xuống, xoa ấn từ nhẹ đến mạnh trong vòng 10 giây, lặp lại khoảng 10 lần.

Khi thấy vị trí huyệt đau thì dừng lại chuyển sang huyệt nội quan ở tay còn lại.

Kiên trì thực hiện day bấm huyệt này khiến tình trạng suy nhược thần kinh, mất ngủ được cải thiện.

2. Huyệt thần môn

Huyệt thần môn nằm ở nếp nhăn trên cổ tay, phía bên dưới của ngón tay út. Huyệt này có tác dụng làm an thần, dịu tâm trí.

Cách bấm huyệt thần môn: Dùng ngón tay cái ấn vào huyệt này, dùng áp lực chuyển động tròn nhẹ nhàng lên xuống, liên tục từ 2 – 3 phút đến khi có cảm giác đau thì dừng lại chuyển sang huyệt thần môn ở tay còn lại.

Thực hiện day ấn huyệt này đều đặn mỗi ngày vào thời điểm trước khi đi ngủ sẽ khắc phục được tình trạng mất ngủ.

3. Huyệt tam âm giao

Huyệt này là huyệt vị giao hội của 3 kinh âm của chân: can – tỳ – thận nằm ở vị trí cao nhất trên mắt cá chân bên trong của bạn, có tác dụng  bổ ích cho 3 tạng can, tỳ, thận.

Cách bấm huyệt tam âm giao giúp bạn ngủ ngon:

Ngồi ngay ngắn làm sao để hai bàn tay của bạn có thể nắm lấy hai cổ chân một cách thoải mái nhất. Mỗi bàn tay tác động vào huyệt tam âm giao ở chân cùng bên.

Dùng lực day thành vòng tròn trên huyệt một cách vừa phải, liên tục khoảng 5 phút. Mỗi ngày làm một lần trước khi đi ngủ.

Lưu ý nếu bạn đang mang thai tuyệt đối không được day bấm huyệt này vì có thể kích thích sinh con.

4. Huyệt dũng tuyền

Huyệt này nằm ở vị trí lõm nhất dưới gan bàn chân.

Để day bấm vào huyệt này, bạn có thể ngồi khoanh chân lại, sau đó dùng ngón tay cái xoa nhẹ từ gót chân đến huyệt cho đến khi bàn chân nóng lên. Ngoài ra, bạn có thể nằm ngửa với gối cao để dùng tay với được chân.

Day ấn huyệt dũng tuyền thường xuyên có tác dụng thúc đẩy lưu thông khí huyết, cải thiện chất lượng giấc ngủ.

5. Huyệt phong trì

Huyệt này nằm ở phía sau cổ của bạn, ngay dưới mỏm xương đòn chũm.

Để cải thiện chứng mất ngủ, hay chóng mặt, kém tập trung, trí nhớ kém bạn có thể day bấm huyệt này bằng cách: Dùng ngón tay cái tạo áp lực, day ấn thành vòng tròn quanh khu vực này khoảng 3 đến 5 phút.

Ngoài ra, day bấm huyệt này còn giúp giảm các triệu chứng hô hấp như ho hay giảm căng thẳng … đây là các triệu chứng góp phần làm gián đoạn giấc ngủ của bạn.

6. Huyệt ấn đường

Ấn đường là huyệt nằm ở trung điểm đường nối giữa hai đầu chân mày. Đây là một trong những huyệt quan trọng, nhạy cảm nhất của cơ thể.

Ngoài tác dụng giảm mất ngủ, huyệt ấn đường còn có tác dụng ổn định tâm trạng, thông dẫn lưu mắt, mũi và khắc phục chứng đau đầu.

Khi day bấm huyệt này, bạn nên xoa bàn tay để làm nóng trước khi thực hiện. Sau đó day bấm nhẹ nhàng vào huyệt ấn đường khoảng 20 lần vì huyệt này nhạy cảm rất dễ tổn thương và có thể gây liệt cơ mặt nếu tác động lực quá mạnh.

Trước khi kết thúc day ấn hãy vuốt nhẹ từ đầu đến cuối lông mày khoảng vài lần.

7. Huyệt thái dương

Thái dương là huyệt nằm cách đuôi chân mày khoảng 0.5cm. Tác động vào huyệt thái dương có tác dụng an thần, giảm căng thẳng mệt mỏi… vì vậy bấm huyệt này có khả năng chữa chứng mất ngủ ngoài ra giảm được chứng đau đầu, đau nửa đầu.

Tuy nhiên, huyệt này cũng là một trong các huyệt nhạy cảm và quan trọng, do đó không nên dùng lực quá mạnh khi day bấm.

8. Huyệt thiên trụ

Huyệt này nằm ở phía sau của cổ, cách đốt sống và cách hộp sọ  khoảng 1,5cm. Huyệt này chi phối các dây thần kinh ở trung tâm não. Khi tác động vào huyệt thiên trụ sẽ góp phần làm giảm đau đầu, căng thẳng, kích thích dễ ngủ.

Để giúp dễ ngủ bạn nên dùng ngón tay cái day bấm  huyệt khoảng 20 lần, kết hợp xoa bóp cổ nhẹ nhàng giúp khí huyết lưu thông dễ dàng.

Những lưu ý khi day bấm huyệt

Bấm huyệt chữa mất ngủ là phương pháp  trị liệu từ y học cổ truyền. Tuy nhiên không thể áp dụng bấm huyệt một cách tùy tiện, khi thực hiện bấm huyệt cần chú ý:

  • Không bấm huyệt cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai, thời kỳ kinh nguyệt.
  • Không bấm huyệt cho người có tâm lý bất ổn, kích động mạnh.
  • Cắt móng tay ngắn và vệ sinh tay sạch sẽ tay trước khi bấm huyệt nhằm hạn chế nhiễm trùng, chảy máu và bầm tím da.
  • Tuyệt đối không day bấm huyệt đang có vết thương hở.
  • Khi bấm huyệt chữa mất ngủ kinh niên, nên áp dụng đều đặn và  phối hợp với các liệu pháp khác như ngâm chân, dùng tinh dầu … để đạt được kết quả tốt.

Nguồn: annaobinhtam