Chủ động ngừa bệnh tim mạch trong đại dịch

Với số lượng người bị bệnh tim mạch luôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu bệnh tật ở hầu hết tất cả các nước trên thế giới, đây là một thời điểm hết sức căng thẳng.

Bởi vậy, cần cảnh giác và chủ động phòng ngừa cũng như có hành động đúng để giảm tối đa các ảnh hưởng của COVID-19, nhất là đối với bệnh nhân tim mạch.

Tổn thương tim liên quan nhiễm SARS-CoV-2

Các biến chứng tim mạch cấp và mạn tính của viêm phổi do virus khá thường gặp, đó là kết quả của nhiều cơ chế bao gồm thiếu máu cục bộ tương đối, đáp ứng viêm toàn thân và tổn thương qua trung gian mầm bệnh. Tuy nhiên, có rất ít dữ liệu được công bố về các biểu hiện tim mạch trong bối cảnh dịch bệnh do SARS-CoV-2 gây ra.

Các biến chứng tim mạch do nhiễm cúm bao gồm viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim cấp và đợt cấp suy tim mạn đã được ghi nhận trong các trận dịch trước đó và góp phần làm tăng tỷ lệ tử vong. Tương tự như vậy, dịch COVID-19 làm tăng gánh nặng đáng kể của các biến chứng và bệnh tim mạch đồng mắc.

Hơn nữa, độ nặng của hội chứng hô hấp và nguy cơ kết cục xấu tăng lên ở những người bệnh đã mắc bệnh tim mạch trước đó. Tụt huyết áp, nhịp tim nhanh, nhịp tim chậm, rối loạn nhịp, hoặc thậm chí đột tử thường gặp ở những bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2. Sự thay đổi điện tim và tăng men tim có thể là dấu hiệu của viêm cơ tim, và siêu âm tim thường phát hiện suy chức năng tâm trương thất trái dưới lâm sàng (với tỷ lệ cần thông khí cơ học cao hơn những người bệnh suy chức năng tâm thu và giảm phân suất tống máu).

Báo cáo gần đây về các trường hợp nhiễm COVID-19 cho thấy, người bệnh với các bệnh nền có nguy cơ biến chứng hoặc tử vong cao hơn – lên đến 50% ở các bệnh nhân nhập viện có sẵn bệnh nội khoa mạn tính. Trong một nghiên cứu đoàn hệ lớn nhất được công bố, tỷ lệ tổn thương tim cấp là 7,2%, sốc 8,7% và rối loạn nhịp là 16,7%.

Đối với bệnh cơ tim, các dữ liệu chi tiết trong mùa dịch COVID-19 còn hạn chế. Trong một báo cáo bước đầu về dự hậu lâm sàng của 21 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng, khoảng 30% có bằng chứng bệnh cơ tim mới xuất hiện. Tình trạng này được định nghĩa là giảm phân suất tống máu thất trái trên siêu âm tim kết hợp với dấu ấn sinh học tim tăng, giảm ScVO2 hoặc dấu hiệu lâm sàng của sốc. Tuy nhiên, sự hiện diện của sốc tim hoặc sốc tuần hoàn cũng đã được chứng minh ở những bệnh nhân mắc COVID-19 và là nguyên nhân của 7-30% các trường hợp tử vong do bệnh. Tỷ lệ tổn thương tim dường như thay đổi ở những vùng khác nhau trên thế giới và do đó cần có những báo cáo chi tiết từ nhiều trung tâm quốc tế để có thể nắm bắt đầy đủ số liệu về tổn thương tim.

Bệnh tim mạch đi kèm thường gặp trong COVID-19 nặng và có tiên lượng xấu hơn. Những người mắc bệnh tim mạch nền đặc biệt dễ bị biến chứng tim mạch và tử vong với COVID-19… do đó quan trọng là cần tiếp tục điều trị bằng thuốc theo hướng dẫn.

Trong những trường hợp COVID-19 nặng, bệnh cơ tim có thể là hậu quả của viêm cơ tim do SARS-CoV-2, viêm hệ thống nặng và liên quan đến rối loạn chức năng vi mạch. Hiện tại có rất ít dữ liệu để hướng dẫn cách điều trị tối ưu cho bệnh nhân mắc COVID-19 bị bệnh cơ tim hoặc sốc tim sốc hỗn hợp.

Tỉnh táo, không hoang mang và biết cách tự theo dõi diễn biến bệnh

Bệnh nhân tim mạch cần ý thức được họ là nhóm nguy cơ rất cao về nhiễm bệnh cũng như các biến chứng nặng xảy ra nếu không may nhiễm COVID-19. Bệnh nhân tim mạch thường là những người cần được theo dõi dài hạn, dùng thuốc dài ngày. Một số thuốc điều trị bệnh lý tim mạch cần theo dõi định kỳ cũng như có thể tương tác hoặc bị ảnh hưởng khi phải điều trị bởi các thuốc khác. Bên cạnh đó, một số triệu chứng của bệnh tim mạch cũng rất dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng nhiễm COVID-19 như khó thở, đau ngực…

Tuy nhiên, các bệnh nhân tim mạch và người thân nên tỉnh táo, không hoang mang và biết cách tự theo dõi diễn biến bệnh. Với bệnh nhân tim mạch, ngoài việc thực hiện những khuyến cáo theo Chính phủ và Bộ Y tế thì cần có những lưu ý riêng, trong đó người bệnh tim mạch cần hiểu bản thân bệnh tim mạch là nguy cơ cao, những người bị bệnh tim mạch càng nên hạn chế tiếp xúc người khác, nên ở nhà.

Cần liên hệ ngay với các nhân viên y tế địa phương và nhân viên y tế chuyên khoa tim mạch đang theo dõi sức khỏe cho bản thân. Nếu chưa có liên lạc của chuyên khoa tim mạch, cần tìm cách thiết lập ngay mối liên hệ này thông qua các thầy thuốc đa khoa ở địa phương mà mình đang có hoặc qua các đường dây nóng về y tế ở địa phương.

Cần kiểm tra lại ngay cơ số thuốc tim mạch mà mình hiện có, nếu cơ số còn ít thì cần gọi bác sĩ/phòng khám chuyên khoa và nhà thuốc mà mình đang được theo dõi để bổ sung kịp thời đầy đủ số lượng.

Cần chắc chắn rằng đã có các trang thiết bị y tế cơ bản như nhiệt kế, máy đo huyết áp tự động, cân sức khỏe. Tự theo dõi thường xuyên các dấu hiệu thường gặp trong nhiễm COVID-19 như sốt, khó thở, ho, đau tức ngực… Lưu ý là các dấu hiệu này cũng có thể gặp ở bệnh tim mạch.

Khi chớm có các dấu hiệu này, cần gọi điện đến các thầy thuốc đang theo dõi cho bản thân trước, không nhất thiết vội vàng đến các phòng cấp cứu/bệnh viện. Nếu bị các triệu chứng nặng như khó thở nhiều, đau ngực nhiều, tím tái, lú lẫn… thì cần gọi ngay đơn vị cấp cứu để được vận chuyển tới bệnh viện gần nhất.    

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), người mắc bệnh tim mạch là 1 trong 9 đối tượng dễ bị COVID-19 tấn công. Tại Việt Nam, dân số có xu hướng già hóa, mô hình bệnh tật thay đổi, tỷ lệ bệnh không lây nhiễm tăng đã khiến bệnh tim mạch là nguyên nhân tử vong và gánh nặng bệnh tật hàng đầu. Do vậy, cần hết sức cảnh giác và chủ động phòng ngừa cũng như có hành động đúng để giảm tối đa các ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với người bệnh.

  BS. Nguyễn Thị Vân Anh