Viêm quanh khớp vai thể đông cứng gây đau nhiều, khó điều trị dứt điểm

1. Viêm quanh khớp vai thể đông cứng là gì?

Vai gồm 3 xương tạo thành một khớp chỏm và ổ chảo: Xương cánh tay, xương bả vai và xương đòn. Phần chỏm xương cánh tay khớp với một ổ chảo nông ở xương bả vai. Mô liên kết bao chắc quanh khớp còn gọi là bao khớp vai. Chất hoạt dịch để bôi trơn bao khớp và khớp vai giúp vai di chuyển dễ dàng hơn.

Thể đông đặc khớp vai là do sự dày lên và co cứng của bao khớp vai, là tình trạng đau kèm theo hạn chế vận động khớp vai. Mức độ đau từ nhẹ đến nặng. Theo thời gian, vai trở nên rất khó di chuyển. Sau giai đoạn các triệu chứng xấu đi, đông cứng vai có xu hướng tốt hơn, mặc dù phục hồi hoàn toàn có thể mất đến 3 năm. Vật lý trị liệu, tập trung vào sự linh hoạt của vai là khuyến cáo điều trị chính cho bệnh lý khớp vai này.

Viêm khớp vai thể đông cứng thường ảnh hưởng nhiều nhất đến những người trong độ tuổi từ 40 đến 60 và xảy ra ở phụ nữ thường xuyên hơn nam giới. Ngoài ra, những người mắc bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc đông cứng vai cao hơn người bình thường.

2. Triệu chứng của viêm quanh khớp vai thể đông cứng

Cơn đau từ viêm quanh khớp thể đông cứng thường âm ỉ hoặc đau nhức. Mức độ đau thường tăng lên trong quá trình của bệnh và khi người bệnh di chuyển cánh tay. Cơn đau thường nằm ở vùng vai ngoài và đôi khi là phần trên cánh tay.

Trong bệnh đông cứng vai, bao khớp vai dày lên và trở nên cứng và căng chặt. Đồng thời, các dải mô liên kết dày lên. Trong nhiều trường hợp, lượng dịch khớp trong khớp cũng ít đi.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh viêm khớp vai thể đông cứng là đau khớp bả vai dữ dội và bệnh nhân không thể tự di chuyển vai hoặc di chuyển với sự giúp đỡ của người khác. Biểu hiện lâm sàng của viêm quanh khớp vai thể đông cứng thường diễn biến qua 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn đau khớp bả vai: Trong giai đoạn này, người bệnh càng ngày càng đau nhiều hơn. Bệnh nhân bị đau khớp vai với tính chất của đau do viêm. Đau cả khi nghỉ ngơi, đau nhiều về đêm có khi làm bệnh nhân tỉnh giấc. Đau tăng với bất kỳ vận động nào của cánh tay. Ban đầu đau thường nhẹ, tăng dần và dai dẳng trong nhiều tháng. Mức độ đau thường ít trầm trọng so với viêm quanh khớp vai thông thường. Đau tăng dần trong vài tuần hoặc một vài tháng. Khi cơn đau trở nên tồi tệ hơn, tầm vận động khớp vai giảm dần. Bệnh nhân không thể chải đầu hoặc gãi lưng được, đưa tay ra trước ra sau đều bị hạn chế. Giai đoạn này thường kéo dài từ 6 tuần đến 9 tháng.
  • Giai đoạn đông cứng: Các triệu chứng đau khớp bả vai có thể thực sự cải thiện trong giai đoạn này, nhưng độ cứng vẫn còn. Trong 4 đến 6 tháng của giai đoạn “đóng băng”, các hoạt động hàng ngày có thể rất khó khăn.
  • Giai đoạn tan đông: Chuyển động của vai từ từ cải thiện trong giai đoạn “tan băng”. Tầm hoạt động của khớp vai trở lại bình thường nhưng đau khi vận động còn kéo dài thêm một vài tháng. Giai đoạn này thường mất từ ​​6 tháng đến 2 năm.

3. Nguyên nhân gây viêm quanh khớp vai thể đông cứng

Nguyên nhân gây viêm quanh khớp vai thể đông cứng hiện chưa được xác định. Tuy nhiên, có vài yếu tố nguy cơ làm gia tăng tình trạng bệnh bao gồm:

  • Tuổi và giới tính: Những người từ 40 tuổi trở lên, đặc biệt là phụ nữ, có nhiều khả năng mắc viêm khớp vai thể đông cứng hơn.
  • Bệnh tiểu đường: Vai đông cứng xảy ra thường xuyên hơn ở những người mắc bệnh tiểu đường. Lý do cho điều này chưa được xác định rõ. Ngoài ra, bệnh nhân đái tháo đường với vai đông cứng có xu hướng bị cứng khớp nhiều hơn, tiếp tục trong một thời gian dài hơn trước khi “tan đông”.
  • Những căn bệnh khác: Một số bệnh lý khác liên quan đến viêm quanh khớp vai thể đông cứng bao gồm suy giáp, cường giáp, bệnh Parkinson và bệnh tim.
  • Bất động khớp vai thời gian dài: Vai đông cứng có thể phát triển sau khi một vai đã bất động trong một thời gian do phẫu thuật, gãy xương hoặc chấn thương khác. Cho bệnh nhân di chuyển vai ngay sau thời gian bị thương hoặc phẫu thuật là một biện pháp được khuyến khích để ngăn ngừa vai bị đông cứng.
  • Không rõ yếu tố nguy cơ: Phần lớn bệnh nhân không rõ yếu tố nguy cơ, có thể do rối loạn miễn dịch, hệ miễn dịch của cơ thể tấn công vào bao khớp và màng hoạt dịch khớp vai của chính mình, do yếu tố nội tiết (phụ nữ sau mãn kinh gặp tỉ lệ cao hơn), do rối loạn thần kinh sinh dưỡng vùng khớp vai.

4. Điều trị viêm quanh khớp vai thể đông cứng khó dứt điểm

Viêm quanh khớp vai thể đông cứng thường trở nên tốt hơn theo thời gian, mặc dù có thể mất đến 3 năm. Trọng tâm của việc điều trị là kiểm soát cơn đau và phục hồi chức năng của khớp thông qua vật lý trị liệu. Điều trị sớm trong giai đoạn đầu thường đạt kết quả tốt hơn so với điều trị muộn.

4.1 Điều trị nội khoa

  • Thuốc chống viêm giảm đau nhóm non-steroid: Các loại thuốc như aspirin và ibuprofen làm giảm đau và sưng.
  • Tiêm steroid: Có thể cân nhắc dùng trong trường hợp đau nhiều ở giai đoạn đầu và giai đoạn tan đông. Cortisone là một loại thuốc chống viêm mạnh được tiêm Viêm trực tiếp vào khớp vai của người bệnh.
  • Vật lý trị liệu: Các biện pháp dùng thuốc giúp giảm đau, giảm viêm tốt nhưng không giúp cải thiện tầm vận động của khớp vai do bao khớp vẫn bị dính cứng, bó chặt khớp. Các bài tập cụ thể sẽ giúp khôi phục chuyển động. Chúng có thể được thực hiện dưới sự giám sát của chuyên gia trị liệu vật lý hoặc thông qua một chương trình tại nhà. Trị liệu bao gồm bài tập kéo dãn hoặc chuyển động cho vai.

4.2 Phẫu thuật

Nếu các triệu chứng viêm khớp vai thể đông cứng ở người bệnh không thuyên giảm sau khi được điều trị nội khoa và liệu pháp vật lý thì người bệnh và bác sĩ có thể thảo luận về phẫu thuật, khả năng phục hồi nếu tiếp tục với các phương pháp điều trị đơn giản và các rủi ro liên quan đến phẫu thuật.

Phẫu thuật viêm khớp vai thể đông cứng thường được chỉ định trong “Giai đoạn 2: Đông cứng”. Mục tiêu của phẫu thuật là kéo dãn và giải phóng bao khớp vai. Các phương pháp phổ biến nhất bao gồm can thiệp kéo dãn khớp vai dưới gây mê và mổ nội soi khớp vai. Trong nhiều trường hợp, can thiệp kéo dãn khớp vai dưới gây mê và mổ nội soi khớp vai được sử dụng kết hợp nhằm đạt được kết quả tối đa. Hầu hết bệnh nhân có kết quả tốt với các thủ thuật này.

Sau phẫu thuật, vật lý trị liệu là cần thiết để duy trì tầm vận động đã đạt được bằng phẫu thuật. Thời gian phục hồi khác nhau, từ 6 tuần đến 3 tháng. Mặc dù đó là một quá trình chậm, sự tuân thủ của người bệnh là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình hồi phục.

Viêm quanh khớp vai thể đông cứng nếu không được điều trị vẫn có tiên lượng tốt. Nếu bạn được phẫu thuật thì kết quả lâu dài sau phẫu thuật nói chung là tốt, hầu hết bệnh nhân đã giảm hoặc không đau và cải thiện tầm vận động của khớp vai. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, thậm chí sau vài năm, chuyển động của khớp vai không trở lại hoàn toàn và mức độ cứng vẫn còn. Bệnh nhân tiểu đường thường vẫn còn mức độ cứng khớp sau phẫu thuật. Mặc dù không phổ biến, nhưng vai đông cứng có thể tái phát, đặc biệt là nếu một yếu tố nguy cơ như bệnh tiểu đường vẫn còn.

Leave a Reply